Giống nho NH 01-152 đang triển khai mở rộng trong tỉnh
- GIỚI THIỆU GIỐNG NHO NH01-152
1.1. Nguồn gốc
Nhập nội: Năm 2005, thông qua chương trình DA15.
Nguồn gốc nhập: Từ Nhật Bản.
Tên giống ban đầu: Mariaue Finger.
Mã số giống trong tập đoàn: NH 01-152.
1.2. Một số đặc điểm chính
- Thời gian sinh trưởng (tùy thuộc vào mùa vụ cắt cành): Từ cắt cành đến 50% số chùm nở hoa là 28-35 ngày, từ cắt cành đến 50% số chùm có quả chín là 86-95 ngày, từ cắt cành đến tận thu là 125 – 135 ngày.
- Đặc điểm thực vật:
+ Lá: lá mỏng, hình tim, thùy sâu, lông thưa, màu xanh đậm.
+ Hình dạng chùm hoa: thon dài, không chia nhánh.
+ Hình dạng quả: bầu dài, quả to, khối lượng quả từ 5,0 – 6,2 gram.
+ Chùm quả lớn, dạng chùm thon dài, khối lượng chùm trung bình từ 300 – 700 gram/chùm.
+ Cuống chùm, cuống quả: dài.
+ Màu sắc vỏ quả khi chín: Màu đỏ tươi (rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng).
+ Độ đường: Từ 16 – 18% (tùy vụ và điều kiện canh tác).
+ Đặc điểm quả: vỏ dày, thịt quả chắc.
+ Hương vị quả: Thơm nhẹ, có hương vị đặc trưng riêng.
+ Tiềm năng năng suất: bình quân từ 13 – 15 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh có thể đạt 18 – 20 tấn/ha/vụ.
- Đặc điểm sinh trưởng, khả năng chống chịu sâu bệnh:
+ Khả năng sinh trưởng khá, phù hợp trồng thâm canh; không thích hợp đối với trồng đầu tư thấp.
+ Khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh: có khả năng thích ứng với điều kiện nắng nóng (nhất là ở giai đoạn ra hoa, đậu quả), ít bị nứt quả khi gặp mưa.
+ Khả năng chống chịu với sâu, bệnh: NH01-152 là giống nho ăn tươi chất lượng cao nên khả năng chống chịu các đối tượng sâu bệnh trung bình khá, tương đương với giống NH01-48 và Cardinal.
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THÂM CANH GIỐNG NHO ĂN TƯƠI NH01-152 THEO HƯỚNG VIỆT GAP
- ĐÁNH GIÁ LỰA CHỌN VÙNG SẢN XUẤT NHO NH01-152 THEO HƯỚNG VIETGAP
- Tiêu chuẩn đất trồng nho:
+ Phải phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn của tỉnh Ninh Thuận.
+ Chọn đất trồng nho trên đất phù sa, có thành phần cát nhẹ, thịt pha cát, độ pH thích hợp khoảng từ 5,5-7,5.
+ Chọn đất không nằm gần khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm như bệnh viện, khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi, nghĩa trang, khu chứa rác thải, ...
+ Hàm lượng một số kim loại nặng trong đất không vượt quá ngưỡng cho phép (Theo Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Tiêu chuẩn nước tưới:
+ Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý để tưới và phun cho cây nho.
+ Hàm lượng một số hoá chất và kim loại nặng trong nước tưới không vượt quá ngưỡng cho phép (Theo Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- GIAI ĐOẠN TRỒNG GỐC GHÉP VÀ GHÉP GIỐNG NHO ĂN TƯƠI
- Chuẩn bị đất
- Làm hầm trồng nho: Chuẩn bị đất trước khi trồng 1 tháng: Làm hầm trồng nho có kích thước rộng 0,5 m, dài từ 5 - 10 m. Cách làm gồm 3 bước:
+ Bước 1: Vét lớp đất mặt qua một bên; sau đó bón phân chuồng từ 20 tấn phân bò (đã được ủ hoai mục), 1.000 kg NPK (16-16-8)/ha.
+ Bước 2: Đào đất sâu > 50 cm (phá tầng đế cày), đảo trộn đều phân và đất.
+ Bước 3: Đưa lớp đất mặt phủ trở lại, san đều đất.
- Làm mương tưới tiêu nước: rộng 0,8 m; sâu 0,6 m.
- Giống nho trồng
- Giống gốc ghép phải có lí lịch, nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, được các tổ chức, cá nhân được phép sản xuất kinh doanh giống cung cấp.
- Trường hợp giống nho tự sản xuất phải có hồ sơ ghi lại đầy đủ các biện pháp xử lý hom giống, hóa chất sử dụng, thời gian, tên người xử lý và mục đích xử lý.
- Giống nho ghép là giống nho ăn tươi NH01-152 (Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cung cấp).
- Giống gốc ghép là Couderc 1613, Alden.
- Mật độ trồng
- Mật độ trồng: 2,5 m x 1,6 m x 1 cây = 2.500 cây/ha.
- Thời vụ trồng nho
Có thể trồng nho quanh năm, nhưng thích hợp nhất là tháng 11, 12 đến tháng 1 năm sau, khi mùa mưa kết thúc.
- Kỹ thuật trồng hom giống
- Đào hố chính giữa hầm nho có kích thước bằng hoặc to hơn bầu.
- Bầu nho gốc ghép cần phải gỡ bỏ túi nilon ra khỏi bầu, trồng mặt bầu ngang bằng với mặt luống và tránh làm bể bầu trong quá trình trồng.
- Cần phải trồng thẳng hom nho, nén đất chặt xung quanh bầu nho. Nên trồng vào buổi chiều giâm mát. Trồng xong phải tưới nước ngay (không tưới ngập luống).
- Chăm sóc nho gốc ghép
* Làm cỏ, xới xáo: Hầm nho phải được xới xáo làm cỏ thường xuyên, làm cho đất thông thoáng tạo điều kiện bộ rễ phát triển tốt.
* Tưới và tiêu nước: Định kỳ 5-10 ngày tưới một lần tùy tưới điều kiện thời tiết khí hậu và loại đất, tưới đủ ẩm, không tưới tràn luống gây úng làm cho cây nho phát triển yếu. Khi gặp trời mưa nhiều ngày, cần vét mương không cho nước mưa gây ngập úng trên luống nho.
* Bón phân (tính cho 1 ha):
Mỗi lần bón phân nên kết hợp với xới xáo làm cỏ. Bón phân theo mép rãnh. Sau khi bón phải qua mép lấp phân.
+ Bón sau trồng 15 ngày (khi cây đã bén rễ), bón 60 kg Urea + 50 kg phân Ammonium Sulphate (SA) và 30 kg phân Kaliclorua/ha. Có thể dùng phân Di-amoni-phosphate (DAP) hòa loãng (1%) để tưới vào gốc 1 lần/tuần, giúp cây con sinh trưởng nhanh.
+ Sau khi trồng khoảng 40 ngày, bón 80 kg Urea + 70 kg phân Ammonium Sulphate (SA) và 40 kg phân Kali clorua/ha.
- Ghép cây
- Thời vụ ghép: tốt nhất từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm.
- Cây gốc ghép: Sau thời gian trồng khoảng từ 50-75 ngày tùy vào điều kiện sinh trưởng của cây gốc ghép mà ta tiến hành thực hiện ghép giống. Khi ghép đường kính thân cây gốc ghép phải đạt được 0,5 cm tương đương với đầu chiếc đũa, chiều cao đạt trên 0,8 m, vị trí ghép phải còn xanh, chưa hóa màu mỡ gà hoặc hóa gỗ.
- Giống nho ghép: Cành ghép, mắt ghép dùng nhân giống phải thu thập trên vườn cây đầu dòng NH01-152 của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Cành ghép không bị sâu bệnh, sinh trưởng tốt, cành mập, có đường kính từ 0,4-0,6 cm, tuổi cành từ 2-4 tháng, mắt ghép mập, không bị dập nát. Sau khi cắt cành, tỉa bỏ cuống lá bằng dao hoặc kéo, giữ cho cành tươi bằng cách bọc trong vải ẩm, đặt vào thùng xốp, đậy kín thùng xốp và đặt nơi thoáng mát.
- Cách ghép: sử dụng ghép nêm. Khi cây gốc ghép đủ tiêu chuẩn để ghép, tiến hành cắt ngọn gốc ghép (có giữ lại một vài lá gốc) ở độ cao cách mặt đất khoảng 30-50 cm. Chọn cành ghép có 1 mầm ngủ, đường kính tương tự với đường kính gốc ghép, dùng dao sắc cắt cả hai phía tạo thành hình chiếc nêm (hai bên kiểu hình chữ V) và tránh để dập mắt ghép. Chẻ thân gốc ghép sâu khoảng 1,5 – 2,0 cm; cài mắt ghép vào gốc ghép sao cho có ít nhất một bên mắt ghép tiếp hợp với gốc ghép và dùng dây nilon cuốn lại.
Cách cuốn dây nilon: Trước hết cuốn nhiều vòng dây để cố định cành ghép vào gốc ghép, sau đó trải rộng dây nilon và cuốn kín một lượt xung quanh cành ghép, đưa dây nilon trở lại cố định dây tại gốc ghép. Khâu cuốn dây nilon rất quan trọng, khả năng nẩy mầm cao hay thấp phụ thuộc và phụ thuộc vào khả năng quấn dây nilon.
- Cắt tháo dây nilon: Khi mắt ghép nẩy mầm và leo lên giàn, thì tiến hành tháo dây nilon, dùng dao lam rạch đoạn nilon cuốn trên phần đã nêm và rạch ngược theo chiều nêm giữa gốc ghép và mắt ghép.
- Chăm sóc cây con sau khi ghép: Bón đủ phân, tưới nước đủ ẩm, chú ý phòng trừ sâu bệnh hại nho, nhất là bọ trĩ và bệnh thán thư.
III. KỸ THUẬT CANH TÁC THỜI KỲ KIẾN THIẾT CƠ BẢN
- Chăm sóc thời kỳ cây con
1.1. Làm cỏ, xới xáo: Hầm nho phải được xới xáo làm cỏ liên tục, làm cho đất thông thoáng tạo điều kiện bộ rễ phát triển tốt.
1.2. Tưới và tiêu nước
- Định kỳ 5-10 ngày tưới một lần tùy theo điều kiện thời tiết khí hậu và loại đất; tưới đủ ẩm, không tưới tràn luống gây úng làm cho cây nho phát triển yếu.
- Khi gặp trời mưa nhiều ngày, cần vét mương không cho nước mưa gây ngập úng trên luống nho.
- Nước tưới nho phải đảm bảo tiêu chuẩn (phụ lục 2).
1.3. Bón phân giai đoạn cây con
- Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
- Các dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh sạch sẽ.
- Khu vực chứa phân bón và để trang thiết bị phối trộn phân bón, chất phụ gia cần được xây dựng để giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước.
- Định kỳ khoảng 10-15 ngày bón một lần chia làm 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Bón sau trồng 15 ngày (khi cây đã bén rễ) cho tới khi bắt đầu tạo cành cấp1, bón 60 kg Urea + 50 kg phân Ammonium Sulphate (SA) + 200 kg supe lân và 30 kg phân Kali clorua.
+ Giai đoạn 2: từ khi tạo xong cành cấp 1 đến khi tạo cành cấp 2, bón 80 kg Urea + 70 kg phân SA + 200 kg supe lân và 40 kg phân Kaliclorua.
+ Giai đoạn 3: từ khi tạo xong cành cấp 2 cho đến khi tạo cành cấp 3, bón 120 kg Urea + 100 kg phân Ammonium Sulphate (SA) + 200 kg supe lân và 60 kg phân Kaliclorua.
Mỗi lần bón phân nên kết hợp với xới xáo làm cỏ. Bón phân theo mép rãnh và xới nhẹ để lấp phân. Có thể dùng phân Diamoni phosphate (DAP) hòa loãng (1%) để tưới vào gốc 1lần/tuần, giúp cây con sinh trưởng nhanh.
1.4. Phòng ngừa sâu bệnh hại: giai đoạn cây con phải thường xuyên được kiểm tra để phun phòng trừ các loại sâu như rệp sáp, nhện đỏ, bọ trĩ… và các loại bệnh hại chính như thán thư, mốc sương và phấn trắng.
1.5. Ngắt mầm nách, buộc cây đỡ
Định kỳ 3-5 ngày tiến hành ngắt mầm nách, tua cuốn và buộc cây để tránh gió lay, đổ ngã.
- Tạo cành các cấp
2.1. Cành cấp 1
Khi cây vượt giàn khoảng 50-70 cm thì bắt đầu tạo cành cấp 1. Cành cấp 1 phải tạo bằng mầm ngủ. Dùng kéo bấm sát mặt giàn về phía dưới, chỉ để 2- 3 chồi khỏe ngay dưới điểm cắt, các chồi còn lại ngắt bỏ hết.
2.2. Cành cấp 2
Cành cấp 1 dài từ 90-100cm, tiến hành cắt trở lại (cành cấp 1 sau khi cắt dài khoảng 40-50 cm là vừa). Chọn 2-3 chồi đầu cành khỏe nhất để lại và ngắt bỏ hết các chồi còn lại.
2.3. Cành cấp 3: Tạo cành tương tự như cành cấp 2.
- KỸ THUẬT CANH TÁC THỜI KỲ KINH DOANH
Sau khi đã tạo xong được bộ cành hoàn chỉnh, cây nho bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh. Chỉ nên thu hoạch 2 vụ/ năm.
- Bón phân
- Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
- Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục.
- Các dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải được vệ sinh sạch sẽ.
- Khu vực chứa phân bón và để trang thiết bị phục vụ phối trộn phân bón, chất phụ gia cần được xây dựng và bảo dưỡng để đảm bảo giảm nguy cơ gây ô nhiễm vùng sản xuất và nguồn nước.
- Lượng phân bón thích hợp cho giống nho NH01-152 là 20 tấn phân chuồng (đã được ủ hoai mục) + 300 kg N + 150 kg P205 + 300 kg K20/ha/vụ (Tương đương: 650 kg Urê; 1000 kg Supe Lân; 500 kg KCl).
+ Bón lót: trước cắt cành từ 10 -15 ngày, 100% lượng phân chuồng + phân lân, 40% kali và 40% đạm.
+ Bón thúc:
- Thúc lần 1: sau cắt cành 15-20 ngày, bón: bón 10% đạm + 5% kali
- Thúc lần 2: sau cắt cành 45 ngày, bón: 40% đạm + 10% kali
- Thúc lần 3: sau cắt cành 70-80 ngày (quả bắt đầu chín bói), bón: 10% đạm + 45% kali.
- Cắt cành
- Dụng cụ cắt cành là kéo cắt chuyên dùng, người thực hiện cắt cành phải được huấn luyện kỹ, có kinh nghiệm và cẩn thận.
- Vị trí chỗ cắt là cành bắt đầu hóa gỗ, màu vàng mỡ gà “bánh tẻ” là thích hợp nhất. Cành cắt có độ dài 6-8 đốt, khoảng 35-50 cm, có ít nhất 2-3 mắt khỏe, có khả năng nảy chồi, cho chùm hoa to.
- Tuổi cành cắt là cành 8 tháng tuổi đối với vụ Đông Xuân, cành 4 tháng tuổi đối với các vụ khác. Khi cần loại bỏ cành già để tạo cành mới thì cắt sâu vào cành 12 tháng tuổi áp dụng cho vụ Đông Xuân. Mật độ đầu cành cắt từ 8-10 cành/m2.
- Cắt cành đến đâu vặt sạch lá, tua cuốn đến đó và chuyển ra khỏi giàn nho. Sau khi cắt xong phải kiểm tra lại để loại bỏ những cành không mong muốn để giàn nho sinh trưởng đều, ra hoa đồng loạt.
- Sau khi cắt cành phải phun rửa cành bằng thuốc trừ rệp sáp và trừ nấm bệnh trên cành bảo đảm cho cây nho sinh trưởng an toàn không cho sâu bệnh lây lan.
- Thời vụ cắt cành: Căn cứ vào đặc điểm của từng giống nho và điều kiện khí hậu của Ninh Thuận mà điều chỉnh thời vụ cắt cành hợp lý. Thời vụ cắt cành làm sao tránh được mùa mưa tập trung và thời tiết nắng nóng giai đoạn nở hoa. Đối với giống NH01-152, thời vụ cắt cành tạo quả thích hợp là: ở vụ Hè Thu cắt cành từ tháng 3 – 5; vụ Đông Xuân từ tháng 11-12. Không khuyến cáo cắt cành trong vụ mưa (vụ Thu Đông) để tránh thiệt hại do áp lực của thời tiết xấu và nấm bệnh.
- Buộc cành, căt bỏ mầm nách, tua cuốn
Ngay sau khi cắt cành, phải thực hiện một số công việc sau:
+ Cột và phân chia các cành đã được cắt đều xung quanh gốc nho.
+ Cắt bỏ những chồi phía trong cành, những chồi phát triển yếu, không ra hoa để tập trung dinh dưỡng cho những chồi ra hoa.
+ Khi các cành mới đã xuất hiện dài khoảng 40-50 cm, phải cắt bỏ toàn bộ mầm nách, tua cuốn và buộc lại cành. Giai đoạn này cần phải tiến hành 2 đợt/vụ.
- Tỉa quả nho
+ Đối với những chùm to, cần tỉa bỏ những trái nhỏ, những trái nằm sâu trong chùm, tỉa thưa đều trên chùm.
- Tưới và tiêu nước
+ Giai đoạn từ khi nở hoa xong đến khi nho bắt đầu chín bói không để cho đất thiếu ẩm.
+ Giai đoạn từ trắng trái đến chín hoàn toàn, giảm dần lượng nước tưới.
+ Khi tưới xong khoảng 1-2 giờ nước rút hết là vừa, không để nước đọng sang ngày hôm sau. Trời mưa tìm cách thoát nước càng nhanh càng tốt.
+ Nước tưới nho phải đảm bảo tiêu chuẩn (phụ lục 2).
- PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI NHO
- Yêu cầu kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh đối sản xuất thâm canh nho theo hướng VietGAP
Nguyên tắc chung là phải áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để phòng trừ sâu bệnh hại nho.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách).
+ Đúng lúc: Phun thuốc khi mật độ sâu hại đạt tới ngưỡng gây hại, mật độ trứng và sâu non các tuổi có chiều hướng gia tăng; phun thuốc khi sâu non ở tuổi 1, tuổi 2. Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không phun thuốc vào lúc thời tiết quá nóng, trời nắng gắt, trời sắp mưa, có gió to.
+ Đúng thuốc: Sử dụng đúng loại thuốc cho từng loại dịch hại. Ưu tiên chọn thuốc có tác động chọn lọc, có thời gian cách ly ngắn, ít độc với người và động vật máu nóng. Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng hoặc thuốc cấm sử dụng.
+ Đúng liều lượng và nồng độ: Pha đúng nồng độ và phun đủ lượng nước quy định để đảm bảo thuốc trải đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất. Khi dùng thuốc phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay.
+ Đúng cách: Sử dụng thuốc theo đúng mục đích hướng dẫn ghi trên bao bì (thuốc rải, thuốc phun, không sử dụng thuốc hạt pha với nước để phun). Phun thuốc đúng nơi dịch hại sống và không phun thuốc khi gió to, nắng gắt.
- Phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch đúng theo hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ghi trên nhãn hàng hóa.
- Phát hiện, dự tính dự báo: Định kỳ điều tra 7 ngày/lần phát hiện sâu bệnh hại nho và thiên địch của chúng. Khi dịch hại có nguy cơ bùng phát số lượng thì điều tra bổ sung 3 - 5 ngày/lần.
- Phòng trừ sâu hại
- Bọ trĩ (Thrips spp.): Cần phát hiện sớm để phòng trừ và chống lây lan, có thể sử dụng các loại thuốc nhóm Imidachloprid (Confidor 100 SL, Admire 50 EC) Abamectin (Tungatin 10EC, Aceny 5.5EC,...), Fipronil (Regent 5SC, Tungent 5SC, ...) Emamectin benzoate (Proclaim 1.9EC, Eagle 20EC,...).
- Rệp sáp (Ferrisiana virgata): có thể sử dụng các loại thuốc Supracide 40 EC, Ecasi 20 EC, Mospilan 3 EC để phòng trừ.
- Nhện đỏ (Eotetranychus carpini): Có thể dùng các loại thuốc sau để trừ: Abamectin (Tungatin 10EC, Aceny 5.5EC,...), Profenofos (Selecron 500 EC, Callous 500 EC,...), Propargite (Comite 73 EC), ...
- Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua).
- Dùng tay bắt và giết sâu, giết ổ trứng, cắt bỏ các lá có sâu mới nở.
- Dùng các loại thuốc sinh học đặc trị như: NPV, Seba, Delfin và các loại thuốc hoá học: Mimic 20F, Match 050EC, Atabron 5EC... khi cần thiết.
- Phòng trừ bệnh hại
- Mốc sương (Downy mildew) do nấm Plasmopara viticola gây ra: Có thể dùng các loại thuốc có gốc Đồng, Mancozeb+Metalaxyl (Ridomil Gold 68 WP, Tungsin-M 72WP,… ), Cymoxanil + Mancozeb (Cuzate-M8 72WP, Victozat 72 WP, …), Fosetyl Aluminium (Aliette 80WP, Alpine 80 WP,…) để phòng trị.
- Phấn trắng (Powdery mildew): Phòng trừ bằng các biện pháp tổng hợp, khi bệnh nặng thì dùng các loại thuốc có chứa đồng, nhóm thuốc Diniconazole (Sumi-eight 12,5 WP), Hexaconazole (Anvil 5SC, Newvil 5SC,…), Azoxystrobin+ Difenoconazole (Amistar top 325 SC, Help 400 SC,…).
- Thán thư (Anthracnose) do nấm Elsinoe ampelina: có thể sử dụng các loại thuốc Nativo 750 WG; thuốc Danjiri 10 SC và Antracol 70 WP, Score 250 EC, Dithane M-45 80 WP,...
- Bệnh nấm cuống do nấm Diplodia sp gây ra: Sử dụng luân phiên các loại thuốc Bayfidan 250 EC; Sumi eight 12,5 WP; Score 250 EC; Aliette 800WP, …
- Bệnh rỉ sắt: do nấm Kuehneola vitis gây ra: có thể sử dụng các loại thuốc Kocide 61,4DF; Champion 77 WP; Anvil 5SC; Sumi eight 12,5WP; Tilt 250 ND.
- THU HOẠCH VÀ XỬ LÝ SAU THU HOẠCH
- Kỹ thuật thu hoạch nho
- Chấm dứt phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng theo đúng thời gian cách ly ghi trên bao bì thuốc.
- Thời gian thu hoạch tùy thuộc vào giống và thời vụ, cần thu hoạch đúng độ chín của trái, nghĩa là khi trái có đủ thời gian, màu sắc, độ ngọt và hương vị đúng với đặc trưng của giống. Thời điểm thu hoạch thích hợp cho giống nho ăn tươi NH01-152 là khi 85% - 95% số quả/chùm chín, thu hoạch vào lúc trời mát, tốt nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Dụng cụ thu hoạch: kéo cắt cành chuyên dụng, kéo phải sạch, sắc bén.
- Phương pháp thu hoạch: dùng kéo cắt phía đầu chùm nho sát với cành, cắt cẩn thận tránh làm xước cành và cuống chùm nho, tránh làm dập nát chùm nho.
- Đựng chùm nho đã cắt trong thùng carton hoặc giỏ tre có bao lót, mỗi thùng 10-15 kg, không được để nho đã thu hoạch dưới nền đất, cát. Thùng đựng nho phải đảm bảo chắc chắn và được vệ sinh sạch sẽ.
- Không chất trái quá đầy giỏ khi vận chuyển, giỏ phải được bao lót kỹ, che phủ bằng giấy hoặc lá để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào trái và tổn thương trái do va chạm trong khi vận chuyển.
- Vận chuyển nho đã thu hoạch về phòng mát để sơ chế, bảo quản.
- Phương pháp xử lý và bảo quản sau thu hoạch
2.1. Yêu cầu kỹ thuật thiết bị, vật tư, nhà xưởng, đồ chứa và người lao động đối với bảo quản nho
- a) Thiết bị
- Thiết bị, thùng chứa tiếp xúc trực tiếp với trái nho phải được làm từ các nguyên liệu không gây ô nhiễm lên sản phẩm.
- Thiết bị, thùng chứa phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng; phải cất giữ riêng biệt, cách ly với kho chứa hóa chất, phân bón để hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm.
- Không dùng thùng đựng phế thải, hóa chất BVTV để đựng nho.
- b) Nhà xưởng
- Khu vực xử lý, đóng gói và bảo quản nho phải tách biệt khu chứa xăng, dầu, mỡ và máy móc nông nghiệp; chăn nuôi gia súc và gia cầm để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm.
- Phải có hệ thống xử lý rác thải và hệ thống thoát nước nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm đến vùng sản xuất và nguồn nước.
- Thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ.
- c) Người lao động
- Người lao động cần được tập huấn kiến thức và cung cấp tài liệu cần thiết về thực hành vệ sinh cá nhân.
- Cần có nhà vệ sinh và trang thiết bị cần thiết ở nhà vệ sinh và duy trì đảm bảo điều kiện vệ sinh cho người lao động.
2.2. Sơ chế, phân loại
- Loại bỏ quả bị thối, sâu bệnh và dập nát;
- Phân loại chùm nho theo khối lượng chùm (có thể phân loại dựa vào kích cỡ chùm, màu sắc, độ sạch bệnh theo yêu cầu khách hàng trước khi chuyển sang công đoạn đóng gói và bảo quản, vận chuyển đi tiêu thụ).
2.3. Ghi chép sổ sách, nhật ký
-Phải ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về thuốc BVTV, phân bón, bán sản phẩm, ...
Phụ lục 1
Mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất
(Theo Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TT
|
Nguyên tố
|
Mức giới hạn tối đa cho phép (mg/kg đất khô)
|
Phương pháp thử *
|
1
|
Arsen (As)
|
12
|
TCVN 6649:2000 (ISO11466:1995)
|
2
|
Cadimi (Cd)
|
2
|
TCVN 6496:1999 (ISO11047:1995)
|
3
|
Chì (Pb)
|
70
|
|
4
|
Đồng (Cu)
|
50
|
|
5
|
Kẽm (Zn)
|
200
|
|
* Có thể sử dụng phương pháp thử khác có độ chính xác tương đương.
Phụ lục 2
Mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong nước tưới
(Theo Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TT
|
Nguyên tố
|
Mức giới hạn tối đa cho phép (mg/lít)
|
Phương pháp thử*
|
1
|
Thuỷ ngân (Hg)
|
0,001
|
TCVN 5941:1995
|
2
|
Cadimi (Cd)
|
0,01
|
TCVN 665:2000
|
3
|
Arsen (As)
|
0,1
|
TCVN 665:2000
|
4
|
Chì (Pb)
|
0,1
|
TCVN 665:2000
|
* Có thể sử dụng phương pháp thử khác có độ chính xác tương đương.